Thiết kế và phát triển Mikoyan-Gurevich MiG-15

S-103 một thiết kế khác của MiG-15 được Tiệp Khắc chế tạo

Hầu hết những máy bay phản lực đời đầu được thiết kế giống như máy bay chiến đấu động cơ pít tông với cánh thẳng đã giới hạn tính năng bay tốc độ cao của chúng. Nghiên cứu của người Đức trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai đã cho thấy các cánh xuôi có hiệu năng tốt hơn ở những vận tốc cận siêu âm, và những nhà thiết kế máy bay của Liên Xô cũng nhanh chóng nắm bắt đặc tính tiên tiến từ thông tin này. Có luận cứ cho rằng Artem Ivanovich MikoyanMikhail Iosifovich Gurevich (các tổng công trình sư của cục thiết kế "Mikoyan") đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi loại máy bay Focke-Wulf Ta 183, mặc dù vậy đó cũng chỉ là sự phỏng đoán vô căn cứ. Mặc dù những chiếc máy bay phản lực ra đời vội vã cuối chiến tranh của Đức có cánh xuôi và vẻ ngoài hơi giống với MiG-15 ra đời sau này nhưng hai loại máy bay lại có những điểm khác biệt hoàn toàn trong cấu trúc và thiết kế chung. Mặc dù Liên Xô đã nắm bắt được những thông tin của Ta-183, nhưng những kỹ sư của Focke-Wulf đã bị các nước đồng minh bắt giữ, vì thế có thể chứng tỏ rằng nhóm thiết kế của MiG-15 lấy cảm hứng từ Ta-183 nhưng không đủ bằng chứng cho rằng nó chịu ảnh hưởng lớn từ Ta-183. Ngày nay đa số nguồn thông tin cho rằng MiG-15 được phát triển dựa trên những thành tựu của người Đức, nhưng những thành tựu của Liên Xô cũng không thể phủ nhận trong ý tưởng, thiết kế chế tạo và sản xuất.[1]

Chiếc máy bay thử nghiệm có trang bị cánh mũi khác thường MiG-8 Utka đã được chế tạo ngay cuối Thế chiến 2 bởi cục thiết kế MIG cho thấy rằng chính nó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng cánh xuôi trên các thiết kế sau này của Mikoyan

Năm 1946, các kỹ sư Xô viết đã thấy rằng không khả thi khi dùng loại động cơ phản lực hướng trục HeS-011 được thiết kế bởi người Đức, và những thiết kế khung máy bay mới từ Mikoyan đã tiến xa hơn việc phát triển các động cơ dành cho nó. Bộ trưởng hàng không Xô viết Mikhail Khrunichev và nhà thiết kế máy bay Alexander Sergeyevich Yakovlev đã đề xuất với Iosif Vissarionovich Stalin nên mua loại động cơ phản lực từ Anh. Stalin đã trả lời rằng: "Kẻ ngu ngốc nào sẽ bán cho tôi và các anh điều bí mật của anh ta?". Tuy nhiên, Stalin cũng phê chuẩn lời đề nghị. Artem Mikoyan, nhà thiết kế động cơ Vladimir Klimov và những người khác đã nhiều lần tới Vương quốc Anh, với lời đề nghị mua động cơ phản lực của người Anh. Một điều ngạc nhiên đã dành cho Stalin, chính quyền Anh và bộ trưởng thương mại phụ trách Xô viết, ngài Stafford Cripps, thông báo sẽ sẵn sàng tuyệt đối cho việc cung cấp thông tin kỹ thuật và giấy phép sản xuất động cơ phản lực ly tâm Rolls-Royce Nene tại Liên Xô, loại động cơ này được thiết kế chuyển đổi hoàn toàn và được sản xuất dưới tên gọi Klimov RD-45, sau này nó được gắn vào MiG-15 (Rolls-Royce sau đó thử đề nghị tiền lệ phí cho việc sản xuất là 207 triệu bảng, nhưng không thành công).

Trong thời gian chuyển tiếp, vào ngày 15-4-1947, hội đồng bộ trưởng ra sắc lệnh #493-192, ra lệnh cho cục thiết kế của Mikoyan OKB sản xuất 2 mẫu thử nghiệm của loại máy bay chiến đấu phản lực mới. Sắc lệnh đã yêu cầu chuyến bay đầu tiên phải được thực hiện sớm trước tháng 12-1947, các kỹ sư của cục thiết kế OKB-155 đã phải dùng đến một bản thiết kế đang gặp nhiều rắc rối trước đó - Mikoyan-Gurevich MiG-9. MiG-9 có động cơ không đủ độ tin cậy và gặp trục trặc ở hệ thống điều khiển. Vấn đề thứ nhất được giải quyết thông qua động cơ Klimov mới đầy tính ưu việt, và để giải quyết vấn đề thứ hai, các kỹ sư đã thử nghiệm với loại cánh xuôi và thiết kế lại đuôi lái. Kết quả là mẫu thử nghiệm được định danh với tên gọi I-310.

I-310 có vẻ ngoài trơn nhẵn, là một máy bay chiến đấu cánh xuôi với các cánh và đuôi xuôi một góc 35°. I-310 có tính năng bay nổi bật, với vận tốc tối đa đạt được trên 650 mph (1.040 km/h). Đối thủ chính của nó là Lavochkin La-168 với cấu hình tương tự. Sau quá trình đánh giá, thiết kế của MiG đã được chọn để đưa vào sản xuất. Được định danh MiG-15, mẫu đầu tiên bay thử vào ngày 31-12-1948. Nó bắt đầu phục vụ trong không quân Xô viết năm 1949, sau đó NATO đặt cho nó cái tên là "Fagot". Những mẫu sản xuất đầu tiên có khuynh hướng lắc lư sang trái hoặc phải do các chi tiết không ăn khớp khi chế tạo, và vì thế các bộ tinh chỉnh khí động học được gọi là "nozhi (knives - các lưỡi dao)" được gắn khớp vào nhằm khắc phục vấn đề này, những lưỡi dao này sẽ được điều chỉnh bởi những kỹ thuật viên mặt đất cho đến khi máy bay bay ổn định.[1]

Một biến thể cải tiến là MiG-15bis ("bis" ký hiệu mẫu tự Latin hoặc Pháp cho "encore"), được trang bị động cơ Klimov VK-1 đưa vào phục vụ năm 1950, một biến thể khác sử dụng động cơ RD-45/Nene, cộng với một số cải tiến và nâng cấp nhỏ.

MiG-15 là máy bay đầu tiên được sử dụng với ý định ngăn chặn máy bay ném bom Boeing B-29 Superfortress, sau này Liên Xô cũng chế tạo một loại máy bay ném bom dựa trên B-29 là Tupolev Tu-4. Để đảm bảo cho việc tiêu diệt chiếc B-29 to lớn, MiG-15 đã trang bị pháo hạng nặng có tầm bắn xa: 2 pháo 23 mm với 80 viên đạn mỗi pháo, một pháo 37 mm 40 viên đạn.

Pháo 23 mm bắn ra những viên đạn nặng 175 gam, trong khi pháo 37 mm bắn ra những viên đạn nặng tới 735 gam. Những vũ khí đó đã cung cấp sức mạnh lớn cho MiG-15 trong vai trò đánh chặn máy bay ném bom hạng nặng, chỉ cần vài phát đạn 37 mm trúng đích cũng đủ để bắn rơi cả một chiếc máy bay rất lớn như B-29. Tuy nhiên, để đổi lấy pháo cỡ nòng lớn thì MiG-15 phải chịu hạn chế về tốc độ bắn khá chậm và số đạn ít của mỗi khẩu pháo, điều này gây khó khăn trong các trận không chiến với các loại máy bay tiêm kích nhỏ và bay nhanh.

Có một biến thể khác của MiG-15 được sản xuất đó là MiG-15UTI (NATO gọi là "Midget") một loại máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi. Bởi vì Mikoyan-Gurevich không bao giờ tập trung sản xuất kiểu máy bay huấn luyện chuyển tiếp cho Mikoyan-Gurevich MiG-17 hoặc Mikoyan-Gurevich MiG-19, "Midget" còn là loại máy bay huấn luyện cho các nước trong khối hiệp ước Vác-xa-va vào những năm 1970, nó là mẫu đầu tiên đóng vai trò là cơ sở cho các loại máy bay huấn luyện khác như Aero L-29 Delfín "Maya" và Aero L-39 Albatros của Tiệp Khắc (sau này là Cộng hòa Séc, Ba Lan sử dụng loại máy bay huấn luyện phản lực là PZL TS-11 Iskra). Trong khi Trung Quốc sản xuất loại máy bay huấn luyện cho Mikoyan-Gurevich MiG-17Mikoyan-Gurevich MiG-19 thì Liên Xô lại cho rằng MiG-15UTI có đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu và không nghiên cứu sản xuất máy bay huấn luyện cho những loại máy bay sau này của chính mình.